Không thể kể hết những thành tựu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, ngành nghệ thuật đã lưu giữ hình ảnh như một “nhân chứng” cho mỗi chặng đường của lịch sử dân tộc, đã đồng hành với quân và dân ta trong công cuộc giữ nước và dựng xây đất nước. Hàng trăm phim truyện, hàng nghìn phim tài liệu, khoa học, hoạt hình là kho tàng vô giá của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Sức vươn sau cú "bước hụt"

Điện ảnh Việt cũng từng chìm nổi khi đất nước chuyển đổi mô hình kinh tế từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Ngành điện ảnh Việt Nam bước vào cơ chế thị trường từ năm 1989, nhưng hai trung tâm điện ảnh là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rệu rã, các bộ phim “mì ăn liền” chất lượng thấp và nghiệp dư khiến khán giả quay lưng với điện ảnh; hệ thống rạp chiếu phim hoang phế, xuống cấp. Điện ảnh Việt Nam gần như “bước hụt” vào cơ chế thị trường. Năm 2000, doanh thu chiếu phim ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 2 triệu USD (tức khoảng 47 tỷ đồng).

Thế nhưng, sau cú “bước hụt” ấy, các nhà làm phim dần đứng dậy, kiểu làm phim chụp giật, nghiệp dư dần lùi xa. Nếu không có chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, tất cả hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung và văn học, nghệ thuật, trong đó có điện ảnh nói riêng vẫn tiếp tục “nằm yên”. Với điện ảnh, chủ trương xã hội hóa được thực hiện hiệu quả sau khi có quy định cho phép thành lập hãng phim tư nhân. Bước vào giai đoạn mới, thị trường điện ảnh ở Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng trưởng nóng trên thế giới. Theo thống kê của Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam: Năm 2009, ở Việt Nam có 87 phòng chiếu phim với tổng doanh thu khoảng 302 tỷ đồng (13 triệu USD);  đến năm 2019, có 1.063 phòng chiếu tại 204 cụm rạp, doanh thu 4.064 tỷ đồng (hơn 176 triệu USD). Như vậy, sau 10 năm số lượng phòng chiếu phim tăng gấp hơn 12 lần; doanh thu tăng 13,5 lần (còn so với năm 2000 tăng hơn 86 lần). Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, chỉ tiêu đến năm 2020, ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD; nhưng với doanh thu 176 triệu USD năm 2019, điện ảnh đã vượt 20% chỉ tiêu năm 2020.

Hiện thực hóa nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam
Cảnh trong phim "Truyền thuyết về Quán Tiên", phim giành Giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21, năm 2019. Ảnh: HUYỀN ĐỖ. 

Về doanh thu phim Việt Nam, trong 10 năm gần đây có sự tăng trưởng rõ rệt. Cụ thể: năm 2009 đạt 54 tỷ đồng từ phim Việt Nam, chiếm khoảng 17,9% tổng doanh thu; năm 2015 đạt 718 tỷ đồng, chiếm 31%; năm 2016 đạt 709 tỷ đồng, chiếm 25%; năm 2017 đạt 771 tỷ đồng, chiếm 24%; năm 2018 đạt 1.130 tỷ đồng, chiếm 31,7%; năm 2019 đạt 1.210 tỷ đồng, chiếm 30%. Về số lượng phim, theo thống kê của Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), từ năm 2009 đến 2014, mỗi năm Việt Nam sản xuất 15-25 phim, chiếm khoảng 15% tổng số phim chiếu rạp; năm 2015 tăng đột phá lên 42 phim, vượt chỉ tiêu năm 2020 trong Chiến lược phát triển văn hóa. Những năm tiếp theo, 2016 là 41 phim, 2017 là 38 phim, 2018 cũng là 38 phim, 2019 là 41 phim.   

Tuy nhiên, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rạp chiếu phim bị thất thu nặng nề, doanh thu tụt xuống 1.660 tỷ đồng, chỉ còn hơn 1/3 doanh thu năm 2019. Tuy nhiên doanh thu phim Việt năm 2020 vẫn đạt 710 tỷ đồng, chiếm 42,5% tổng doanh số, một tỷ lệ cao chưa từng có trong mấy chục năm nay của điện ảnh Việt. Trong bối cảnh ngành điện ảnh thế giới gần như ngưng trệ với nhiều dự án phim “bom tấn” bị hủy hoặc hoãn, càng thấy nỗ lực của các nhà làm phim Việt Nam thật đáng kể khi họ dũng cảm đi đến cùng để hoàn thành 34 phim và đưa chúng ra rạp.

Mặt bằng chất lượng phim Việt được nâng cao dần, không còn nhiều phim bị gọi là “thảm họa” hay “hài nhảm”. Một số bộ phim đề tài chiến tranh đạt chất lượng, được trao giải tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam và giải Cánh diều như: “Mùi cỏ cháy”, “Những người viết huyền thoại”, “Những đứa con của làng”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”... Một số bộ phim Nhà nước đặt hàng được trao các giải thưởng quốc tế, cùng giải trong nước như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cuộc đời của Yến”... Đặc biệt, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là phim đầu tiên Nhà nước đặt hàng, hãng phim tư nhân góp vốn sản xuất, đã lập kỷ lục doanh thu tại thời điểm phát hành với 80 tỷ đồng trong một tháng, cũng là phim đặt hàng có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.